Chương trình văn hóa nghệ thuật chất lượng cao phục vụ khán giả sau đại dịch covid-19: Đi đúng hướng mới mong giữ được Chèo
VHO- Nhà hát Chèo Việt Nam đã có màn trở lại đầy ấn tượng bằng Vân dại, một vở chèo cổ được dựng theo nguyên bản chiếu chèo truyền thống. Với giá vé khoảng hai trăm đến ba trăm nghìn đồng và “khuyến mãi mua 1 tặng 1”, phần lớn khán giả đều tự bỏ tiền ra mua vé để được đến rạp 71 Kim Mã, Hà Nội thưởng thức nghệ thuật…
Một cảnh trong vở chèo “Vân dại”
Hơn 2 tiếng đồng hồ, Vân dại đã thực sự lôi cuốn khán giả bởi những tình huống, những nhân vật và những mảng trò độc đáo của chiếu chèo truyền thống.
Xem chuyện xưa ngẫm chuyện nay…
Những nhân vật xưa cũ được tái hiện lại trong cuộc sống đương đại vẫn vẹn nguyên ý nghĩa và giá trị về bài học đạo lý làm người. Điều đặc biệt, nhân vật Súy Vân nổi tiếng trong trích đoạn Súy Vân giả dại đã được ê kíp sáng tạo lý giải theo một cách nhìn hoàn toàn khác, cách nhìn của con người đương đại, khách quan hơn, khúc triết và đậm tính nhân văn hơn.
Điều ngạc nhiên là đối tượng đi xem lần này rất đa dạng, từ những khán giả lớn tuổi tới các cô cậu sinh viên, thanh niên trẻ và có cả những cháu bé chỉ tầm 5, 6 tuổi cũng đến và say sưa thưởng thức chèo cổ. Sau mỗi mảng trò hay, mỗi cảnh diễn ấn tượng là những tràng pháo tay kéo dài không dứt. Kết cảnh, khi chứng kiến nàng Súy Vân phải lựa chọn một kết cục đầy bi thảm là cái chết vì bế tắc sau những lỗi lầm, đã có không ít những giọt nước mắt rơi vì cảm thông cho thân phận người đàn bà trong xã hội thời phong kiến.
Chị Vân Hà (Ngọc Hà, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi đã từng xem trích đoạn Súy Vân giả dại nhưng cho đến khi xem vở Vân dại mới hiểu được tường tận tích chuyện. Không chỉ nàng Súy Vân thời phong kiến mà người phụ nữ hôm nay cũng có một bộ phận mong muốn được giải thoát khỏi cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Súy Vân là nhân vật được xây dựng với mục đích phê phán “tham vàng bỏ ngãi” như lời cảnh báo đối với những cuộc đời người phụ nữ nhẹ dạ, chạy theo cám dỗ thấp hèn, ắt sẽ không có một cái kết có hậu. Tuy nhiên, trên thực tế cũng có những người phụ nữ không hài lòng với hôn nhân của họ và mong muốn được tự do. Nếu ở thời phong kiến thì họ sẽ bị “gọt đầu bôi vôi”, nhưng ngày hôm nay, họ sẽ có nhiều lựa chọn chứ không đời nào chịu một cái kết cay đắng như vậy”.
Ở góc độ một người theo đạo Phật, sư ông Thích Giáp Thành (chùa Tổ Thanh Liêm, Hà Nam) nhận xét: “Tôi được các sinh viên của trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội mời đi xem vở diễn này. Có thể nói đây là một vở diễn mang đầy chất bi kịch và tính nhân văn. Vấn đề mà vở diễn đặt ra cũng chính là một trong những điều mà nhà Phật luôn đưa vào trong kinh sách, đó là: “Phàm làm việc gì phải nghĩ đến kết quả của nó”, gieo nhân nào gặt quả ấy cũng chính là điều mà nhân vật Súy Vân phải gánh chịu”.
Dựng chèo cổ theo góc nhìn mới
Ê kíp sáng tạo vở chèo Vân dại đã mạnh dạn đưa ra một chủ đề mới, cởi mở hơn và phù hợp hơn với xã hội và con người hiện đại, đó là hình ảnh Súy Vân không chỉ đáng thương mà còn đáng trách. Khi tỉnh ngộ sai lầm thì cũng là lúc nàng phải lựa chọn cho mình cái chết. Vở chèo không chỉ thành công khi xây dựng tư tưởng theo một góc nhìn mới mà còn ở một mẫu nhân vật chèo cổ với những diễn biến tâm lý phức tạp, không một chiều như các vai đào thương, đào lệch thường thấy. Có thể ghi nhận sự chắc tay của ê kíp dàn dựng khi kết nối những trích đoạn truyền thống, những mảng trò đặc sắc thành một vở diễn đầy đặn, bố cục hợp lý. Những trích đoạn như Súy Vân giả dại, Cu Sứt - Huyện Tể, Hề Gậy - Trần Phương, Mụ Quán - Khoèo, Thầy phù thuỷ… vốn là những lớp trò riêng biệt nhưng sự chắp nối khéo léo đã làm cho Vân dại trở thành một vở chèo mẫu mực, chuẩn chỉ.
Tác giả, NSND Bùi Đức Hạnh chia sẻ: “Những năm gần đây, người làm chèo đều cảm thấy lo lắng trước nỗi lo chèo bị cách tân, mất gốc. Tại Liên hoan sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc 2019, PGS.TS Trần Trí Trắc, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo đã phát biểu trong bài tổng kết về việc không ít vở diễn dự thi có hiện tượng này. Đã tới lúc những người làm chèo phải trở về nguồn bằng những vở diễn mang đậm đặc trưng của chèo. Tôi và ê kíp xây dựng Vân dại với mục đích này. Tuy có chỉnh lý, cải biên, nhưng chúng tôi vẫn tuân thủ những giá trị của âm nhạc truyền thống, những nét đặc sắc của các trích đoạn và các mẫu nhân vật độc đáo của chèo”. Vị tác giả “gạo cội” của làng chèo cũng đã từng nổi danh là người “phá chèo” bởi những cải biên “quá đà” so với truyền thống. Ông thú nhận, sau những phép thử ấy, bản thân ông cũng cảm thấy sai lầm và vì thế mà giờ ông chăm chắm phục dựng, chỉnh sửa các vở chèo cổ. Ông quan niệm, để trở về nguồn và gìn giữ vốn cổ, những người làm chèo cần phải ngồi lại bàn thảo, tìm hướng đi và phát triển đúng mới mong giữ được chèo.
Công diễn vở chèo Vân dại, Nhà hát Chèo Việt Nam đã phần nào thể hiện được trọng trách của người “anh cả” trong làng chèo cả nước. Các nghệ sĩ tham gia dẫu đóng vai chính hay phụ cũng cho thấy sự khổ luyện và chuẩn mực trong nghề. Đặc biệt là các nghệ sĩ đóng các vai diễn chính: Trần Thục Hiền (vai Súy Vân), Hà Cường (vai Kim Nham), Xuân Chường (vai Trần Phương), Lệ Thu (vai Mụ Quán), Trần Hải (vai Phù thuỷ), Quốc Khoát (vai Khoèo), Thái Sơn (vai Cu Sứt)… đã ghi được dấu ấn mạnh mẽ đối với khán giả. Nếu cứ trở về nguồn như vở Vân dại, tin chắc nghệ thuật chèo sẽ tiếp tục được kế thừa và phát triển bởi những con người đầy tài năng và tâm huyết.
THÚY HIỀN